Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, canh tác cây cà phê

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC, CANH TÁC CÂY CÀ PHÊ

1, Nguồn gốc cây cà phê

Trước khi đi sâu vào các bài viết kỹ thuật, mời bà con cùng tham khảo qua một vài thông tin về cây cà phê như: nguồn gốc xuất xứ, các giống cà phê, đặc điểm cây,…

aaaaaaaaaaaaCF01

Nguồn gốc và xuất xứ của cây cà phê

Cà phê là một loại cây công nghiệp thuộc họ thiến thảo (Rubiaceae). Trong họ thiến thảo lại chia thành nhiều chi, cây cà phê mà chúng ta đang trồng hiện nay thuộc chi cà phê (Coffea). Không phải toàn bộ các loại cây trong chi cà phê đều chứa caffein trong hạt, thậm chí một số cây còn khác xa với cà phê như cây canh ki na, cây câu đằng…

Chỉ có hai loài cà phê được trồng nhiều nhằm phục vụ việc lấy hạt và chế biến cà phê, đó là :

  • Cà phê vối: Tên khoa học Coffea Robusta , còn gọi là cà phê Rô-bút-ta, loài này chiếm 39% sản lượng cà phê trên thế giới. Ở Việt Nam, người dân chủ yếu trồng và canh tác loại cà phê này
  • Cà phê chè: Tên khoa học Coffea Arabica , chiếm 61% sản lượng cà phê TG.
  • Ngoài ra còn có cà phê mít: Tên khoa học Coffea Liberica . Nhưng sản lượng không đáng kể (Nhỏ hơn 1%)

Sử dụng cà phê làm thức uống

Tên gọi cà phê có nguồn gốc từ chữ Café trong tiếng Pháp. Cà phê được chế biến bằng cách rang, xay hạt cà phê thành bột, sau đó dùng nước nóng ngâm ra nước cốt và bỏ bã. Khi uống có thể thêm đường, sữa hoặc kem tùy theo khẩu vị, uống kèm đá hoặc không. Cà phê đắt nhất là cà phê chồn, đây không phải là một giống cà phê mà là chỉ cách chế biến cà phê, sử dụng hệ tiêu hóa của chồn để tạo ra hương vị đặc biệt, hiện nay trên thị trường còn xuất hiện thêm cà phê voi.

Bên cạnh đó còn có cà phê hòa tan, một kiểu chế biến cà phê theo lối công nghiệp.

Hạt cà phê được sử dụng làm thức uống từ thế kỷ thứ 9. Tại vùng cao nguyên Ethiopia. Đến thế kỷ 15 lan rộng và được dùng phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, rồi đến các nước Châu Âu, Mỹ. Hiện nay cà phê được xem là thứ thức uống thông dụng bậc nhất thế giới, cách thưởng thức có nhiều khác biệt tùy theo vùng miền, vị trí địa lý, quốc gia…

Các nước trồng cà phê

Hiện nay có khoảng 60 nước trồng cà phê, trong đó phải kể đến những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu như Braxin, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Uganda… Trong đó Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê vối đứng đầu nhất thế giới. Chiếm gần một nửa sản lượng cà phê loại này.

Nguồn gốc cây cà phê ở Việt Nam.

Cây cà phê được đưa vào Việt Nam từ những năm 1870 do các thầy tu mang về trồng tại nhà thờ tại Hà Nam, Quảng Bình, Kom Tum. Năm 1888, đồn điền cà phê đầu tiên được người Pháp khởi sự nằm ở Kẻ Sở, Bắc Kỳ với giống cà phê chè được trồng ở vùng ven sông. Tiếp đến cây cà phê được trồng thêm ở các vùng Phủ Quỳ- Nghệ An, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Đến năm 1945 diện tích cà phê trên cả nước đạt trên 10.000 ha. Khi mới bắt đầu trồng quy mô lớn, cây cà phê chỉ đạt năng suất là 400- 600kg/ha.

Hiện nay sản lượng và xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn tăng trưởng đều. Trong năm 2014 diện tích trồng cà phê đạt 653.000 ha, năng suất trung bình đạt 4-5 tấn/ha. Hiện nay nước ta trồng chủ yếu 3 loại cà phê chính là cà phê Arabica, cà phê Robusa và cà phê excelsa or Liberia. Mỗi giống đều thích nghi với một điều kiện sinh thái khác nhau.

Đặc trưng của cây cà phê

  • Thân lá và rễ cà phê: Cây cà phê chè có thể cao đến 6m, cà phê vối 8-10m nếu để phát triển tự nhiên, tuy nhiên ở các trang trại cà phê, người ta thường chỉ cắt tỉa cành hãm ngọn ở chiều cao 2-4m để tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Cây cà phê có cành thon dài, lá cuống ngắn, xanh đậm, hình oval. Mặt trên lá có màu xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt hơn. Chiều dài của lá khoảng 8-15 cm, rộng 4–6 cm. Rễ cây cà phê là loại rễ cọc, cắm sâu vào lòng đất từ 1 đến 2,5 m với rất nhiều rễ phụ tỏa ra xung quanh làm nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
  • Hoa cà phê: có màu trắng, năm cánh, thường nở thành chùm đôi hoặc chùm ba. Hoa cà phê khi nở có mùi thơm rất dễ chịu. Hoa chỉ nở trong vòng 3 đến 4 ngày và thời gian thụ phấn chỉ vài ba tiếng. Một cây cà phê trưởng thành có từ 30.000 đến 40.000 bông hoa.
  • Quả cà phê: Sau khi thụ phấn quả sẽ phát triển trong 7 đến 9 tháng và có hình bầu dục, bề ngoài giống như quả anh đào. Trong thời gian chín, màu sắc của quả thay đổi từ xanh sang vàng rồi cuối cùng là đỏ. Thông thường một quả cà phê chứa hai hạt. Chúng được bao bọc bởi lớp thịt quả bên ngoài. Hai hạt cà phê nằm ép sát vào nhau. Mặt tiếp xúc giữa chúng là mặt phẳng, mặt hướng ra bên ngoài có hình vòng cung. Mỗi hạt còn được bảo vệ bởi hai lớp màng mỏng: một lớp màu trắng, bám chặt lấy vỏ hạt; một lớp màu vàng rời rạc hơn bọc ở bên ngoài. Hạt có thể có hình tròn hoặc dài, lúc còn tươi có màu xám vàng, xám xanh hoặc xanh. Thỉnh thoảng cũng gặp nhưng quả chỉ có một hạt (do chỉ có một nhân hoặc do hai hạt bị dính lại thành một).

Thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch

Cây cà phê sau khi trồng 3-4 năm sẽ ra quả. Những đợt quả đầu tiên thường gọi là quả bói (hay cà bói) tùy theo mức độ sinh trưởng, nhu cầu thu hoạch, người ta thường vặt bỏ hoa không cho đậu trái bói, dồn sức để cây phát triển cành lá. Năm thứ 4 trở đi mới tiến hành thu hoạch đại trà.

Giai đoạn 1-3 năm gọi là giai đoạn kiến thiết cơ bản, giai đoạn năm thứ 4 trở đi gọi là giai đoạn kinh doanh.** Thông thường vườn cà phê sau 20-25 năm, sẽ chuyển sang giai đoạn già cỗi, năng suất kém, cần phải trồng mới hoặc cắt gốc và ghép chồi để cải tạo.

Cà phê thu hoạch trong khoảng tháng 10 đến hết tháng 1 (Dương Lịch), thời gian thu hoạch nhiều nhất là trong tháng 11. Bà con thường thu hoạch khi quả bắt đầu chuyển sang màu đỏ, và hái rộ trong tháng 11 tránh những cơn mưa cuối mùa làm rụng trái.

Sau khi thu hoạch cà phê được phơi khô trong nhiều ngày, sau đó dùng máy xay để tách phần vỏ lấy phần nhân, phần vỏ còn gọi là trấu có thể tận dụng làm phân hữu cơ.

Một số hình ảnh cây cà phê

aaaaaaaaaaaaaaaaCF02


aaaaaaaaaaaaaaaaCF03


aaaaaaaaaaaaaaaaCF04


2, Yêu cầu về khí hậu và đất trồng cà phê

  • Cây cà phê vối, cà phê mít thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nhiệt độ 24 – 26 độ C, lượng mưa 2000mm/năm trở lên
  • Cây cà phê chè thích hợp với khí hậu lạnh vùng cao, cận nhiệt đới. Nhiệt độ từ 20 – 22 độ C, lượng mưa từ 1700 – 2000mm/năm
  • Cả 3 loài cà phê đều cần một khoảng thời gian khô hạn ngắn sau thu hoạch để phân hóa mầm hoa.
  • Về đất trồng: Cà phê không yêu cầu khắt khe về đất, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất, đất đỏ bazan, đất xám, đất thịt pha… nhưng để đạt năng suất cao và ổn định thì trồng ở đất đỏ bazan là phù hợp nhất. Đất trồng cà phê yêu cầu thoát nước tốt, tơi xốp, độ pH của đất từ 5.0 – 6.5. Có tầng canh tác từ 0.8 – 1m, đất giàu dinh dưỡng, hàm lượng hữu cơ trung bình đến cao
  • Đối với đất trồng cà phê lâu năm , muốn nhổ gốc trồng mới, cần cày đất thật kỹ, phơi đất và trồng 2-3 vụ màu trước khi trồng lại cà phê
  • Gió và ánh sáng : Gió nóng hay gió lạnh đều ảnh hưởng đến cây cà phê, có thể giảm năng suất nếu gặp gió mạnh và giai đoạn trổ bông. Do đó nhất thiết phải trồng cây chắn gió ở xung quanh vườn hoặc giữa các hàng giai đoạn kiến thiết. Cà phê là cây thích ánh sáng tán xạ, nên trồng xen cà phê với bơ, hoặc cà phê xen tiêu trên trụ sống. Sẽ giúp giảm ánh sáng trực tiếp.

3, Mật độ trồng cà phê

  • Cà phê vối: Khoảng cách trồng là 3m x 3m đối với đất tốt và bằng phẳng (1.118 cây/ha), trồng 3m x 2,5m đối với đất trung bình và dốc (1.330 cây/ha)
  • Cà phê mít: trồng 5m x 5m hoặc 7m x 7m (khoảng 700 cây/ha)
  • Cà phê chè: trồng 2m x 1m (khoảng 4.000 – 5.000 cây/ha)

4, Lựa chọn giống cà phê

  • Cà phê vối: Nên chọn những giống cà phê cao sản như: Giống TR4 (Giống cà phê 138), Giống TR9 (Giống cà phê 414 – Các giống có mã TR là các giống được Viện Eakmat nghiên cứu và tuyển chọn, khuyến khích nhân rộng). Hoặc chọn các giống xuất xứ Lâm Đồng như: Giống Hữu Thiên, Giống Thiện Trường, Giống Trường Sơn TS5 (cà phê xanh lùn). Đây là những giống có năng suất cao, kháng bệnh rỉ sắt tốt, cây sinh trưởng mạnh….
  • Cà phê chè: Chọn các giống TN1, TN2, … TN10 trong đó 2 giống TN1 và TN2 là giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận

5, Kỹ thuật trồng cà phê

  • Thời vụ trồng cà phê: Có thể trồng vào vụ Thu (Tháng 8-9DL) hoặc vụ xuân (tháng 2-3DL)
  • Chuẩn bị hố trồng: Đào hố và bón lót phân trước khi trồng 1 tháng, hố có kích thước 60 x 60 x 60cm. Khoảng cách tùy theo mật độ trồng
  • Bón lót: Mỗi hố trộn 10-20kg phân chuồng hoai mục + 1kg phân hữu cơ sinh học HVB + 0,2kg phân khoáng vi lượng HVB + 0,3 – 0,5kg supe lân + 0,5 kg vôi bột. Trộn đều với lớp đất mặt, lớp đất sâu loại riêng để tạo bồn. Sau khi trộn phân lấp đầy hố, vun cao 5-10cm, sau đó dùng châm dẫm nhẹ
  • Tiến hành trồng cà phê: sau 1 tháng ta tiến hành trồng cây con vào hố. Tùy theo kích thước bầu ươm, đào 1 lỗ chính giữa hố, đường kính lớn hơn bầu 10cm, sâu khoảng 30cm.
  • Khi trồng cần xé nhẹ lớp nilon của bầu ươm, không làm vỡ bầu. Đặt cây vào chính giữa lỗ (căn cho thẳng hàng, thằng cây) mặt bầu thấp hơn mặt đất 5cm.
  • Lấp đất từ từ đồng thời dùng tay nén chặt đất xung quanh
  • Sau khi trồng tiến hành vét bồn xung quanh gốc, đường kính khoảng 1m – 1m2, nén chặt thành bờ, tránh trời mưa đất trôi xuống lấp mất cây con

Kỹ thuật trồng cà phê: Trồng mới và tái canh

Kỹ thuật trồng cà phê: Trồng mới và tái canh

6, Kỹ thuật chăm sóc cà phê

Trồng cây chắn gió cho cà phê

Cây trong giai đoạn kiến thiết, giai đoạn thu hoạch đều cần được chắn gió cẩn thận. Nên sử dụng cây muồng vàng làm cây chắn gió. Trồng vào giữa hàng cà phê, khoảng cách 2-3 hàng cà phê 1 hàng muồng vàng. Xác cây muồng vàng có thể tận dụng để ép xanh khi thay thế cây mới

Trồng cây che bóng cho cà phê

Có thể tận dụng các ngã tư giữa các bồn để trồng cây che bóng, khoảng cách 9 x 9m hoặc 9 x 12m. Trồng cùng thời điểm với cây cà phê con. Các cây che bóng có thể là bơ sáp, sầu riêng thái, cây trụ sống trồng tiêu, vừa có tác dụng che bóng vừa là cây xen canh có giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập.

Cây che bóng cần rong tỉa cành hợp lý, không để quá rậm rạp. sao cho cây cà phê bên dưới có thể tiếp nhận được ánh sáng. Tán cây phải cách ngọn cà phê từ 2 – 4m.

Làm cỏ cho cà phê

Cà phê là cây có nhiều rễ con hấp thu dinh dưỡng tầng mặt, do đó cần làm cỏ thường xuyên, 1 năm 4-5 lần. Làm sạch cả trong bồn và trên thành bồn. Khi làm cỏ có thể kết hợp đánh bồn. Trước khi bón phân cũng cần làm cỏ sạch sẽ

Kỹ thuật làm bồn cà phê

Việc làm bồn giúp cho công tác tưới tiêu, bón phân dễ dàng và hiệu quả hơn. Thành bồn cần được nén chặt thành bờ, cao hơn mặt bồn bên trong 15 – 20cm. Mỗi năm đánh bồn 1 lần vào đầu mùa mưa, mở rộng bồn theo tán cây, đến khi giao nhau với các bồn của hàng bên cạnh thì ngưng.

Cắt tỉa cành tạo tán cây cà phê

  • Thường xuyên bẻ chồi vượt mọc từ thân chính và nách lá, đặc biệt là đầu mùa mưa, trước đợt bỏ phân. 1 năm có thể tiến hành làm chồi từ 5-6 lần
  • Sau khi thu hoạch, dùng kéo cắt bỏ cành tăm, cành nhỏ giáp thân, cành khô, cành bị sâu bệnh
  • Ở mỗi vị trí đốt cành chỉ để lại khoảng 3 cành dự trữ
  • Tỉa bớt các cành thứ cấp trên cao để ánh sáng có thể tiếp cận các cành bên dưới
  • Hãm ngọn ở độ cao 1,6 – 1,7m
  • Đối với cà phê cưa đốn phục hồi: Tiến hành cưa vào khoảng tháng 2 DL, vị trí cưa cách mặt đất 20 – 25cm. Cưa vát 1 góc 45 độ. Nuôi 4-5 chồi khỏe mạnh nhất. Khi chồi cao 25cm, để lại 2 chồi để tạo thân và tiến hành chăm sóc, tạo hình như đối với cà trồng mới

Kỹ thuật tưới nước cà phê

  • Mùa khô cần tiến hành tưới nước cho cây cà phê, cà phê con 10-15 ngày 1 lần. Cà phê giai đoạn kinh doanh 20-25 ngày 1 lần. Khi tưới cần tưới tập trung để cây ra hoa đồng loạt tăng tỷ lệ đậu trái.
  • Nếu có những đợt mưa trái mùa, cần tiến hành “tưới đuổi” cung cấp đủ nước để cây ra hoa đều.
  • Có thể tưới bằng “béc” hoặc tưới “dí” vào bồn tùy theo địa hình và nguồn nước ít hay nhiều. Tưới nhỏ giọt cũng là 1 biện pháp rất hay, giúp tiết kiệm nước tưới đồng thời bảo đảm cây luôn được cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết

Tưới cà phê tập trung giúp cây ra hoa đồng loạt

Tưới cà phê tập trung giúp cây ra hoa đồng loạt

7, Kỹ thuật bón phân cho cà phê

8, Phòng trừ sâu bệnh cho cà phê

9, Thu hoạch và chế biến cà phê

Yêu cầu đầu tiên đối với việc thu hái cà phê là hái đúng độ chín. Để có cà phê chất lượng cao nhất thiết phải có quả chín đỏ hay vừa chín, không hái quả xanh. Không để quả chín nẫu hay khô trên cây. Nếu có lẫn những loại này thì cần bỏ ra phơi riêng.

Trong sản phẩm thu hoạch số quả chín hoặc vừa chín nhất là 95%, trừ đợt thu hoạch lần cuối tỷ lệ có thể thấp hơn.

Hái cà phê bằng cách dùng ngón tay bứt quả, không tuốt cành, không bứt cả chùm đối với cà phê chè. Phải bảo vệ cành, lá, nụ tránh ảnh hưởng tới vụ sau. Không để quả cà phê lẫn vào trong đất dễ bị nhiễm nấm bệnh.

Cà phê hái xong phải chế biến ngay. Nếu không kịp phải trải quả cà phê trên nền gạch cho thoáng mát, không quá dày 30-40 cm. Không ủ đống cà phê làm cho quả cà phê nóng và lên men. Không giữ cà phê hái về quá 24 giờ.

Bao bì đựng sản phẩm cà phê quả tươi và phương tiện vận chuyển phải sạch, không có mùi phân bón, mùi hoá chất…

Bài viết có sử dụng hình ảnh và tư liệu sưu tầm trên internet + kinh nghiệm riêng của người viết. Nếu có gì sai sót xin được góp ý thêm. Xin cảm ơn